Theo một số nguồn tin, đã có đối tác nước ngoài xem xét đầu tư hàng tỷ USD cho một trong những nhà mạng nhỏ tại Việt Nam. Quá trình đàm phán đang diễn ra và nhiều khả năng sẽ hoàn thành trong đầu năm 2017. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa có bất cứ thông tin chính thức gì về việc đối tác nào sẽ được các bên lựa chọn, nhưng ít nhiều thông tin trên cũng làm khuấy động thị trường di động Việt Nam vốn đã bảo hòa và hình thành trật tự.
Xét về qui mô và mức độ cạnh tranh thị trường di động năm năm vừa qua thì các mạng nhỏ như Vietnamobile, Gmobile… chưa tạo ra được sự bứt phá mạnh mẽ nào khiến các mạng lớn phải cảnh giác và đối phó. Thế nhưng, trong năm 2016 các nhà mạng nhỏ được “nghe ngóng” nhiều bởi các thông tin đối tác đầu tư. Thị trường di động lâu nay vốn ít đề cập đến những cái tên như Vietnamobile, Gmobile. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, đằng sau sự im lặng đó là những đợt sóng ngầm mạnh mẽ khi các đơn vị này ráo riết tìm đối tác đầu tư.
Mới đây, Bộ TT&TT đã cấp phép 4G cho Gmobile. Có lẽ 4G không được cho là tấm vé trang sức cho Gmobile. Hãy chờ xem Gmobile sẽ làm gì trong thời gian tới. Trong trường hợp các nhà mạng nhỏ tìm kiếm được đối tác đầu tư thì một lần nữa thị trường di động Việt Nam lại dậy sóng khi có thêm nhân tố mới vào được đua.
Tháng 6/2016, bà Elizabete Fong, người được mệnh danh là “người đàn bà thép” đã có thời gian dài “chèo lái” Vietnamobile giờ đây đã quay trở lại để tiếp tục “chèo lái” mạng di động này nhưng với một mô hình mới là công ty cổ phần chứ không phải mô hình BCC như trước đây. Bà Elizabete Fong là người đã gắn bó với Vietnamobile từ những ngày đầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Bà Fong là người lãnh đạo nữ duy nhất nắm quyền điều hành một mạng di động tại Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.
Nếu so với các mạng di động quốc doanh hiện giờ, Vietnamobile được cho là nhà mạng có kiểu vận hành tối ưu nhất. Vietnamobile cũng được đánh giá là nhà mạng sáng tạo với nhiều gói cước, nhiều chương trình khuyến mãi khác biệt so với 3 nhà mạng quốc doanh. Tuy nhiên, Vietnamobile gặp phải thế khó là mạng ra sau, khó khăn về vùng phủ sóng và chỉ còn có 1/2 băng tần 3G sau khi EVN Telecom “chuyển khẩu” sang Viettel.
“Ở một thị trường di động cạnh tranh khốc liệt như Việt Nam, để trụ lại và thành công là cả một chặng đường nỗ lực, sáng tạo không ngừng nghỉ. Mỗi một ngày ở Vietnamobile là một ngày “chinh chiến” để sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng và chất lượng mạng nhằm chiếm được trái tim khách hàng. Văn hóa Hutchison cũng rèn giũa cho chúng tôi tham vọng phải thành công trong kinh doanh. Chính sự không ngừng vận động và tham vọng chinh phục những đỉnh cao mới là động lực khiến đội ngũ Vietnamobile luôn tràn đầy nhiệt huyết, sự sáng tạo và ý chí sắt đá”, bà Fong nói.
Hồi tháng 4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư từ Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Hanoi Telecom và Hutchison thành Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh là 1,248 tỷ USD. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đến tháng 10/2016, sau khi Thủ tướng đồng ý cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư từ Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC) giữa Hanoi Telecom và Hutchison thành Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile, thì một chiến lược mới cho nhà mạng này đã được hoạch định lại. Một luồng sinh khí mới đã được thổi vào Vietnamobile khi nhà đầu tư tuyên bố rót 450 triệu USD để quyết xóa điểm yếu chết người là vùng phủ sóng của nhà mạng này để chơi một ván cờ mới cân tài cần sức hơn với các nhà mạng lớn thuộc sở hữu quốc doanh của Việt Nam.
Ông Phạm Ngọc Lãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hanoi Telecom cho biết: “Công ty cổ phần Vietnamobile với một pháp nhân độc lập, thương hiệu Vietnamobile độc lập, một thương hiệu viễn thông quốc gia đã sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, giai đoạn cải tổ mạnh mẽ bộ máy quản lý, dồn sức đầu tư lớn hơn để Vietnamobile tự tin tham gia vào cuộc cạnh tranh đầy thách thức phía trước. Mục tiêu chiến lược của Vietnamobile đến 2020 là duy trì tăng trưởng 20-30%/năm, phấn đấu đạt trên 15% thị phần viễn thông di động tại Việt nam. Để thực hiện mục tiêu trên, trước mắt chúng tôi sẽ đầu tư quy mô lớn trên 450 triệu đô la ngay trong năm tài khoá 2016 để mở rộng, tăng cường vùng phủ sóng 3G đến hầu hết các tỉnh, thành phố, thị xã lớn và sẵn sàng tiếp tục đầu tư lớn vào những năm tiếp theo”.
Bà Elizabete Fong bổ sung thêm, với việc đầu tư này, Vietnamobile sẽ đẩy mạnh việc phủ sóng 3G và sẽ đạt chỉ tiêu phủ sóng khoảng 90% dân số vào cuối năm 2017.
Vietnamobile đã chọn 2 nhà cung cấp thiết bị 3G lần này là Ericsson và ZTE. Một lãnh đạo trong mảng kỹ thuật của Vietnamobile cho hay là sau khi nhà mạng này đầu tư cho 3G thì sẽ xóa khoảng cách về vùng phủ sóng của Vietnamobile với các nhà mạng lớn. Điều này chắc chắn sẽ làm thị trường 3G của Việt Nam sôi động.
Ông Phạm Ngọc Lãng khẳng định, Vietnamobile sẽ tập trung nghiên cứu đánh giá nhu cầu thị trường để chuẩn bị đầu tư vào thế hệ di động 4G phục vụ nhu cầu của người dùng tại Việt Nam.
“Chính thức từ nay, công ty cổ phần Vietnamobile với một pháp nhân độc lập, thương hiệu Vietnamobile độc lập, một thương hiệu viễn thông quốc gia đã sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, giai đoạn cải tổ mạnh mẽ bộ máy quản lý, dồn sức đầu tư lớn hơn để Vietnamobile tự tin tham gia vào cuộc cạnh tranh đầy thách thức phía trước. Mục tiêu chiến lược của Vietnamobile đến 2020 là duy trì tăng trưởng 20-30%/năm, phấn đấu đạt trên 15% thị phần viễn thông di động tại Việt Nam” ông Phạm Ngọc Lãng nói.
Một nguồn thạo tin cho Báo Bưu điện hay, đến thời điểm này Vietnamobile đã vượt qua ranh giới nguy hiểm khi nhà mạng này đã bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, chưa có bất cứ thông tin chính thức nào từ Vietnamobile tuyên bố liên quan đến vấn đề này.
Cách đăng ký 3G Mobifone – Các gói cước 3G Mobifone mới nhất