Với chính sách mở cửa thị trường để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp viễn thông phát triển, thị trường di động đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Đến nay, tổng số thuê bao di động tại Việt Nam đã đạt hơn 126 triệu và Việt Nam trở thành một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, gần 95% thuê bao di động hiện nay là thuê bao trả trước và theo đánh giá của Bộ Công an thì hơn 75% số thuê bao di động trả trước có thông tin không chính xác, rất khó quản lý.
Luật Viễn thông, và các Thông tư, Nghị định của Bộ Thông tin & Truyền thông đã tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ về việc quản lý thông tin thuê bao di động trả trước nhưng kết quả triển khai chưa được như mong muốn, các mức xử phạt còn quá nhẹ so với doanh thu thu được từ các hành vi sai phạm nên tình trạng SIM kích hoạt sẵn vẫn tràn lan và thông tin thuê bao không đúng, SIM rác vẫn còn tồn tại khắp nơi.
Để đảm bảo công tác an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế tin nhắn rác, bảo vệ quyền lợi của người dân, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP được ban hành với mục đích sửa đổi, bổ sung, thay đổi một số quy định về quản lý thuê bao di động nhằm tăng tính hiệu quả trong công tác triển khai, tăng tính chính xác và chặc chẻ hơn, đồng thời đưa ra các mức xử phạt nghiêm khắc hơn nhằm giải quyết những tồn đọng.
Theo nghị định mới, việc ký hợp đồng chỉ được thực hiện tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp thiết lập hoặc điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông khác thiết lập được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền. Như vậy, sẽ không còn hình thức điểm giao dịch được doanh nghiệp viễn thông ủy quyền cho các hộ kinh doanh. Thêm vào đó nghị định này quy định SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Nghị định yêu cầu quản lý mạnh các nhà mạng với các quy định như nhà mạng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hoạt động của các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, kể cả các điểm ủy quyền. Như vậy, nếu có bất kỳ hành vi sai phạm nào trong việc đăng ký thông tin thuê bao trả trước thì nhà mạng sẽ là đối tượng bị xử lý thay vì đổ trách nhiệm sang đại lý SIM thẻ như trước đây.
Cũng theo Nghị định 49, sau 3 tháng Nghị định có hiệu lực, các điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối SIM thuê bao nếu không được ủy quyền sẽ phải ngừng hoạt động việc đăng ký thông tin thuê bao và phân phối SIM.
Ngoài ra, theo nghị định mới này, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần đối với thuê bao di động có thông tin không đúng quy định; Nhà mạng phải tạm dừng cung cấp dịch vụ một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, tạm dừng cung cấp dịch vụ hai chiều sau 15 ngày tiếp theo và thanh lý hợp đồng sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ hai chiều nếu thông tin chưa đăng ký đúng qui định.
Khi Nghị định có hiệu lực, các nhà mạng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ về các thông tin thuê bao di động thực hiện ký kết hợp đồng. Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, nhà mạng sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của toàn bộ thông tin thuê bao di động được lưu giữ, bao gồm cả các thông tin thuê bao thực hiện ký kết hợp đồng trước ngày Nghị định có hiệu lực.
Nghị định này còn đưa ra quy định về mức phạt như: sẽ phạt đến 100 triệu đồng đối với nhà mạng khi không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc ký kết hợp đồng theo mẫu khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định. Phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với người đại diện theo pháp luật của nhà mạng khi không bố trí nhân sự, phương tiện kỹ thuật nhằm bảo đảm khả năng truy nhập cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp để kiểm tra khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, nếu nhà mạng từ chối việc cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm tra cơ sở dữ liệu thuê bao tập trung như đã từng xảy ra sẽ bị xử phạt nặng thay vì chỉ bị nhắc nhở nư trước đây.
Cách tiết kiệm chi phí dùng 3G – đăng ký 3G Mobifone trọn gói